Điểm nhanh 7 công dụng của bạc hà với sức khỏe trẻ em

Không chỉ được biết đến là thảo dược thần kỳ điều trị cảm lạnh thông thường, công dụng của bạc hà đối với sức khỏe trẻ nhỏ còn được thể hiện ở nhiều phương diện khác.

Theo nhiều nghiên cứu lâu năm, bạc hà có công dụng lớn với sức khỏe trẻ nhỏ. Bởi loại thảo dược này chứa rất nhiều chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe. Bạn muốn thêm bạc hà vào các món ăn của bé nhưng vẫn chưa hiểu hết lợi ích của loại thảo dược này dù đã nghe nói rất nhiều? Nếu vậy, hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để có thêm thông tin hữu ích nhé.

Bạc hà là thảo dược gì?

Bạc hà (tên tiếng Anh là mint) là loại cây thân thảo, sống lâu năm, được dùng như một loại rau gia vị và thảo mộc. Thân cây thường có màu xanh hoặc tím, lá hình trứng, thon dài và có nhiều răng cưa xung quanh mép. Khi ngửi lá bạc hà, bạn sẽ thấy loại thảo dược này tỏa ra một mùi rất đặc trưng, thơm thơm, cay cay, rất quyến rũ và mang lại cảm giác dễ chịu.

Theo các nhà nghiên cứu, bạc hà có chứa hàm lượng methol rất cao, khoảng 40,7%. Ngoài ra, còn có một số dưỡng chất khác như protein, beta-caryophyllene, limonene, beta-pinene, canxi, các vitamin A, B6, C, D. Chính vì vậy, loại thảo dược này được xem là một vị thuốc quý đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Thêm bạc hà vào chế độ ăn của trẻ như thế nào?

Cũng giống như những loại thảo mộc khác, bạn có thể thêm bạc hà vào chế độ ăn của bé theo nhiều cách khác nhau. Bạc hà có một hương vị rất riêng nên có thể thêm vào món salad hoặc nghiền nát và chế biến với thịt, cá để tăng hương vị cho món ăn. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng lá bạc hà để trang trí các món ăn cho trẻ.

Nếu bé nhà bạn hơn 8 tuổi, bạn có thể bé ăn lá bạc hà sống. Tuy nhiên, trước khi cho bé ăn, bạn cần rửa thật sạch. Sau khi mua về, nếu không có ý định sử dụng ngay, bạn có thể bảo quản lá bạc hà trong tủ lạnh.

Ngoài những cách chế biến trên, bạn còn có thể pha trà bạc hà cho bé uống. Loại trà thảo dược này rất tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ vì có tác dụng xoa dịu thần kinh và giúp trẻ giảm lo lắng, căng thẳng.

Súp bạc hà là món ăn tuyệt vời cho ngày trẻ bị cảm lạnh hoặc sốt. Bởi món ăn này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp trẻ cải thiện tâm trạng.

7 tác dụng của bạc hà đối với sức khỏe trẻ nhỏ

Bạc hà có thể đem đến cho bé cưng nhà bạn rất nhiều lợi ích sức khỏe nếu được thêm vào chế độ ăn của trẻ:

1. Ngăn ngừa dị ứng

Bạc hà rất giàu chất chống oxy hóa. Ngoài ra, trong bạc hà còn chứa chất chống viêm được gọi là axit rosmarinic. Những chất này sẽ giúp trẻ chống lại các triệu chứng liên quan đến dị ứng. Với những trẻ bị dị ứng theo mùa, việc ăn bạc hà thường xuyên sẽ rất tốt.

2. Điều trị cảm lạnh thông thường

Bạc hà có tác dụng làm co các màng sưng trong mũi, phá vỡ đờm và chất nhầy trong đường hô hấp để dễ dàng đào thải ra ngoài cơ thể. Chính vì vậy, loại rau gia vị này được xem là vị thuốc có tác dụng cải thiện các triệu chứng nghẹt mũi, khó thở do cảm lạnh, cảm cúm gây ra. Bên cạnh đó, methol, thành phần hóa học chính của lá bạc hà còn giúp kháng khuẩn và giảm ho.

3. Điều trị khó tiêu và đầy hơi

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Đại học Maryland (UMM), Hoa Kỳ, các hoạt chất trong bạc hà có khả năng xoa dịu cơ bụng, làm tăng tốc độ lưu thông của dịch mật để tăng cường và đẩy nhanh tốc độ tiêu hóa, cải thiện các triệu chứng khó tiêu cho cả trẻ nhỏ lẫn người lớn. Ngoài ra, loại thảo mộc này cũng có tác dụng làm dịu bớt cơn khó chịu do đầy hơi và chướng bụng gây ra.

Điểm nhanh 7 công dụng của bạc hà với sức khỏe trẻ em

4. Ngăn ngừa hội chứng ruột kích thích

Các nghiên cứu đã công nhận rằng dầu bạc hà có tác dụng điều trị các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS) ở trẻ nhỏ rất hiệu quả. Trong một thử nghiệm lâm sàng, các bệnh nhân mắc hội chứng IBS được cho uống viên nang dầu bạc hà 2 lần mỗi ngày trong vòng 4 tuần. Kết quả cho thấy có sự cải thiện tình trạng bệnh đáng kể, 50% tổng số các triệu chứng của bệnh IBS được giảm bớt.

5. Giảm đau

Tác dụng của tinh dầu bạc hà được biết đến là có công dụng giúp giảm đau cơ hoặc đau bụng cho trẻ nhỏ. Nếu trẻ bị đau bụng hoặc đau dạ dày thường xuyên, việc cho trẻ xoa dầu bạc hà có thể giúp đối phó với tình huống này. Đây là một cách giảm đau hiệu quả và được xem là vị thuốc “aspirin tự nhiên” cho trẻ nhỏ.

6. Tốt cho da

Các tác nhân gây hại bên ngoài môi trường có xu hướng tác động xấu lên làn da mềm mại của bé cưng. Nếu mẹ thoa dầu bạc hà lên da bé thường xuyên sẽ làm dịu và giúp da bé luôn căng bóng, sáng mịn. Nếu con bị bỏng hoặc phát ban, bạn cũng có thể thử dùng dầu bạc hà để điều trị cho bé.

Việc chăm sóc da bé bằng dầu bạc hà khá là phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, dầu bạc hà có giúp chữa lành vết thương do vết côn trùng cắn. Do đó, nếu bạn đi du lịch đến vùng nông thôn hoặc rừng núi hẻo lánh, đừng quên mang theo dầu bạc hà cho bé nhé.

7. Cải thiện sức khỏe răng miệng

Nhờ đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm mà bạc hà rất có ích trong việc ngăn ngừa sâu răng, hôi miệng, nhiễm trùng nướu… Trẻ nhỏ rất hay gặp các vấn đề liên quan đến răng và nướu vì các bé thích ăn đồ ngọt. Bạn có thể chọn cho bé kem đánh răng hoặc nước súc miệng có chứa bạc hà để ngăn ngừa vấn đề này. Tuy nhiên, trước khi cho bạn dùng, bạn cần kiểm tra trên bao bì xem sản phẩm có phù hợp với trẻ em hay không.

Những lưu ý khi cho trẻ dùng bạc hà

Điểm nhanh 7 công dụng của bạc hà với sức khỏe trẻ em
  • Khi chọn mua bạc hà để chế biến món ăn cho trẻ, bạn hãy chọn những cây bạc hà có lá còn tươi, không bị giập, héo hoặc úa vàng. Bạn có thể bảo quản bạc hà một tuần trong tủ lạnh. Tuy nhiên, hãy cho bạc hà vào 1 túi nilông hoặc túi giấy trước khi cho vào tủ lạnh nhé.
  • Khi cắt lá bạc hà, hãy làm thật nhẹ nhàng. Sử dụng một con dao sắc bởi việc dùng dao cùn sẽ khiến lá bị giập và làm mất hương vị.
  • Không cho trẻ dùng bạc hà nếu bé bị trào ngược dạ dày thực quản. Nguyên nhân là do bạc hà có thể khiến các cơ thắt thực quản dưới bị kích thích, từ đó làm cho bệnh GERD phát triển trầm trọng hơn.
  • Không nên bôi dầu bạc hà hay chà xát lá bạc hà lên mặt của trẻ vì điều này có thể tạo ra co thắt và gây ra các vấn đề về hô hấp.

DMCA.com Protection Status